Giá phân bón hôm nay ngày 11/03/2022: Giá Ure tại Việt Nam ở mức cao, trong bối cảnh giá Ure thế giới tại một số thị trường đã vượt mức kỷ lục đạt được trong tháng 11/2021 (giá Ure hạt đục tại Ai Cập đã lên mức 1100 USD/tấn FOB)
Cùng với dầu thô, kim loại và nhiều loại hàng hóa cơ bản khác, giá phân bón tiếp tục tăng mạnh bởi tác động tiêu cực từ cuộc chiến Nga – Ukraine.
Làm gì khi giá phân bón tăng quá cao?
Chi phí phân bón chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị vật tư nông nghiệp, có thể lên tới 50%. Hiện nay, giá mặt hàng này đang tăng mạnh. Để giảm chi phí sản xuất nông nghiệp, theo các chuyên gia, nông dân cần tìm cách thay thế, sử dụng các loại phân bón khác và thực hiện “5 đúng”: bón đúng chủng loại phân, bón đúng nhu cầu sinh lý của cây, bón đúng nhu cầu sinh thái, bón đúng vụ và thời tiết, bón đúng phương pháp.
VFA dự báo, trong thời gian tới, nguồn nhập khẩu phân bón sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng lớn từ những tác động tiêu cực của cuộc chiến Nga – Ukraine. Trong bối cảnh này, các nhà sản xuất phân bón trong nước vừa có cơ hội, vừa có trách nhiệm phát huy hết công suất.
Về cơ bản, Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu một số loại phân bón, nhưng vẫn phải phụ thuộc nhập khẩu phân SA và kali, do trong nước không có nguồn nguyên liệu. Hay như với DAP, MAP, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu song song với sản xuất trong nước, nhưng nếu nguồn nhập khẩu từ Nga gặp khó khăn, đẩy mặt bằng giá tăng lên, thì cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu và Việt Nam không nằm ngoài tác động tiêu cực.
Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, động thái cấm xuất khẩu Amoni nitrat (NH4NO3) của Nga có thể đẩy giá phân đạm trên toàn cầu tiếp tục tăng. Hiện nay, sản lượng Amoni nitrat xuất khẩu của Nga đạt khoảng 15 triệu tấn mỗi năm, chiếm 75% nguồn cung toàn thế giới.
Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn duy trì chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa, trong bối cảnh thiếu hụt năng lượng và chi phí nguyên liệu đầu vào (khí, than) tăng cao. Việc này sẽ khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng thêm và đẩy giá các loại phân bón tiếp tục duy trì ở mức cao.
Theo thông tin từ Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam, doanh nghiệp chuyên sản xuất và nhập khẩu phân bón, giá DAP và kali trên thị trường thế giới vẫn ở mức cao và không có dấu hiệu giảm, mà ngược lại còn đang tăng nhẹ do chính sách hạn chế xuất khẩu DAP của Trung Quốc và nhu cầu nhập khẩu trong thời gian tới lên đến 4 triệu tấn của Ấn Độ cùng với sự cải thiện về giá nông sản thế giới.
Ông Phùng Hà cho biết, khi giá phân bón trên thị trường thế giới tăng, một số quốc gia có những chính sách điều tiết, hỗ trợ để người nông dân không phải chịu giá phân bón quá cao. Trong bối cảnh này, Việt Nam cũng nên nghiên cứu các chính sách hợp lý để kìm giá phân bón.
Năm 2021, nước ta xuất khẩu 1,35 triệu tấn phân bón, thu về 560 triệu USD, nhưng cũng chi tới 1,45 tỷ USD để nhập về 4,54 triệu tấn phân bón các loại, gấp 3 lần xuất khẩu. Giá nhập khẩu trung bình các loại phân bón trong năm 2021 tăng 27,8% so với năm 2020.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2021, nước ta nhập khẩu phân bón nhiều nhất từ Trung Quốc với hơn 2 triệu tấn, trị giá 600 triệu USD; tiếp đến là từ Đông Nam Á (504.000 tấn, trị giá 190,4 triệu USD) và từ Nga (370.000 tấn, trị giá gần 144 triệu USD, tăng gần 8% về lượng, nhưng tăng hơn 30% về trị giá so với năm 2020).
Cần thay đổi phương thức canh tác
Trước tình trạng giá phân bón tăng cao, nhiều hợp tác xã nông nghiệp đã nghiên cứu kỹ đồng ruộng kết hợp với kinh nghiệm của nông dân để đề ra phương thức canh tác phù hợp ngay trong vụ đông xuân 2021 – 2022, theo hướng chỉ bón 50% lượng phân để giảm chi phí.
Nhiều chuyên gia cũng khuyến nghị, để thích ứng tốt nhất trong bối cảnh hiện nay, nông dân cần đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới để giảm lượng phân bón, sử dụng phân bón hữu cơ thay thế một phần phân bón vô cơ. Bên cạnh đó, khuyến khích, hỗ trợ nông dân tự sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ từ nguồn nguyên liệu sẵn có (phụ phẩm trồng trọt, chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt…) để vừa cải tạo đất, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng, từ đó giảm sự lệ thuộc phân bón hóa học.
#giá_phân_bón #nhà_nông #miền_tây #giaphanbon #giaure #giaphan #giadam #gianpk #giakali #nongnghiep #fertilizer #vậttưnôngnghiệp
giá sầu riêng hôm nay | giá cả thị trường | thị trường nông sản | giá phân bón hôm nay