Giá lúa gạo hôm nay 25/2/2022: Duy trì ổn định
Giá lúa gạo hôm nay tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục chững lại và đi ngang. Một số địa phương giá lúa có xu hướng giảm do nông dân bắt đầu thu hoạch rộ.
Theo các doanh nghiệp, nguồn gạo về nhiều, các kho mua ổn định, song chủ yếu là mua gạo NL IR504. Giá lúa các loại giữ ổn định, sức mua của thương lái chậm lại, đa số chờ giá giảm. Giao dịch phụ phẩm sôi động.
Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo Việt đứng ở mức 398 USD/tấn với gạo 5% tấm, gạo 25% tấm và 100% tấm duy trì ổn định mở mức 373 USD/tấn và 328 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo Thái Lan quay đầu giảm từ 2 – 6 USD/tấn.
Xuất khẩu gạo hứa hẹn một năm tăng trưởng cả về chất và lượng
Các chuyên gia dự báo, xuất khẩu gạo sẽ tăng mạnh từ tháng 3 khi vụ Đông Xuân cho thu hoạch rộ. Các thị trường tiêu thụ gạo truyền thống của Việt Nam như: Philippines, Malaysia, Mỹ, châu Phi, Hàn Quốc… nhu cầu nhập khẩu bắt đầu cao. Ngay từ đầu năm, vựa lúa gạo lớn nhất nước đã đón đợi cơ hội này bằng một chiến lược thị trường bài bản.
Vài năm trở lại đây, hạt gạo Việt ngày càng nâng cao giá trị, chất lượng trên thị trường quốc tế. Số liệu từ Tổng cục Hải quan chỉ ra, xuất khẩu gạo tháng 1/2022 đạt trên 505.000 tấn, với trị giá đạt trên 246 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2021, kết quả xuất khẩu gạo tháng đầu năm nay tăng đến hơn 45% về lượng và gần 30% về giá trị.
Trong đó, Hàn Quốc nổi lên là một trong những thị trường tiềm năng cho hạt gạo Việt Nam. Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc có hiệu lực càng mở ra cơ hội cho gạo Việt thâm nhập vào thị trường này. Mới đây, theo thông tin từ Bộ Công Thương, Tổng Công ty Thương mại nông thủy sản và lương thực Hàn Quốc (aT) đã thông báo hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng gạo và kế hoạch các đợt đấu thầu nhập khẩu gạo trong năm 2022. Theo đó, 55.112 tấn gạo của Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi 5%, thấp hơn rất nhiều mức thuế suất áp dụng cho khối lượng gạo nhập khẩu ngoài hạn ngạch là 513%.
Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường tiêu thụ gạo truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Mỹ, châu Phi,… bắt đầu cao. Đồng thời, xuất khẩu gạo sang châu Âu dự báo sẽ tăng mạnh trong năm nay nhờ Hiệp định thương mại tự do (EVFTA).
Theo EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu 80.000 tấn gạo/năm và tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Xuất khẩu gạo hứa hẹn sẽ có một năm tăng trưởng về chất và lượng nếu doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt được thời cơ này. Thời gian tới, nhiều doanh nghiệp lúa gạo cho biết đang tiếp tục nhận được những đơn hàng giá trị cao với số lượng lớn từ nhà nhập khẩu.
Đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm
Mặc dù vậy, cũng như các ngành hàng khác, doanh nghiệp lúa gạo, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải đối mặt với chi phí đầu vào như cước tàu biển, chi phí vận tải nội địa, giá các loại vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu tăng quá mạnh… khiến chi phí sản xuất bị đội lên, ăn mòn vào lợi nhuận. Bên cạnh đó, việc giá xăng dầu tăng mạnh trong gần 2 tháng đầu năm nay đang ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp khi kéo chi phí sản xuất tăng ở mức cao. Chưa kể, trên thị trường, hạt gạo Việt đang chịu sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của nhiều quốc gia khác.
Xác định bằng mọi cách phải tối ưu hóa chi phí và nâng cao sức cạnh tranh cho hạt gạo trên thị trường, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất lúa gạo đã và đang từng bước đầu tư công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị hạt gạo.
Đơn cử, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời mới đây đã thành lập 2 công ty thành viên và ký kết mua bán – tài trợ sản xuất 2 triệu tấn lúa trị giá hơn 12.000 tỷ đồng trong năm 2022 với các công ty, đại lý nông sản, các ngân hàng. Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời cho biết, đó là minh chứng cho sự tin tưởng của các đối tác trong nước và quốc tế đối với mô hình kinh doanh tổ chức sản xuất quy mô lớn theo đơn hàng. Đây cũng là nền tảng để ứng dụng quy trình sản xuất khoa học, giảm lượng giống sử dụng, giảm phân bón – thuốc, quản lý tốt tài nguyên nước, từ đó giảm giá thành, tăng chất lượng, tăng lợi nhuận cho cả nông dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), lượng xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm 2022 vẫn đảm bảo trên 6 triệu tấn, ước tính sẽ ở mức 6,3 triệu tấn.
#giá_lúa #nongnghiep
#giá_lúa_tươi
#nhànông
#ir50404
#Nếp_vỏ_tươi #nếp_Long_An
#OM9577 #OM9582
#OM5451 #NàngHoa9
#OM6976 #OM18
#lúaNhật
#Nhà_Nông_Miền_Tây
#Tin_tức_nhà_nông
#Giá_cả_thị_trường
giá sầu riêng hôm nay | giá cả thị trường | thị trường nông sản