Thêm một người chết ở Hà Nội vì cây đổ
Đêm 7-9, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và cứu nạn cứu hộ TP Hà Nội cho biết vừa có thêm một người thiệt mạng do cây đổ trên đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy.
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh thủ đô, nam nạn nhân tên C. (sinh năm 2002, quê Hưng Yên).
Trước đó, theo báo cáo của Công ty Cây xanh Hà Nội, tính đến 15h30 ngày 7-9, có 484 cây đổ, cành gãy. Cây đổ làm 2 người chết và 7 người bị thương tại thủ đô.
Cụ thể, chiều 6-9, có 2 người bị thương do cây đổ tại khu vực đường Tú Mỡ trước khu đô thị Vimexco (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện E.
Đến 10h ngày 7-9, UBND quận Nam Từ Liêm cho biết một trong hai nạn nhân đã tử vong. Người còn lại sức khỏe ổn định, đến sáng 7-9 đã được cho xuất viện.
Chiều 6-9, tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, cây đổ cũng đã khiến chị L. (sinh năm 1983) tử vong. Như vậy, Hà Nội đã có 3 người tử vong do cây đổ.
23h đêm, ghi nhận dọc tuyến đường Giải Phóng, nhiều cây lớn, gác chắn tàu hỏa cũng bị gió quật ngã. Một số ô tô bị hư hỏng do thân cây ngã đổ đè trúng.
Bão số 3 tiếp tục di chuyển lên phía Hòa Bình, Sơn La
23h đêm 7-9, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết lúc 22h, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 21 độ vĩ Bắc – 105,5 độ kinh Đông, trên đất liền khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
Vị trí này thuộc khu vực huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88km/h), giật cấp 11. Bão tiếp tục đi theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h. Với hướng di chuyển này, bão đang chuyển dần lên khu vực các tỉnh Hòa Bình, Sơn La.
Tâm bão số 3 vẫn đang nằm ở khu vực Hòa Lạc, Hà Nội
22h đêm 7-9, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết vị trí tâm bão số 3 ở vị trí khoảng 21 độ vĩ Bắc – 105.5 độ kinh Đông.
Vị trí này nằm ở khu vực Hòa Lạc (huyện Thạch Thất, Hà Nội).
Thời điểm này bão còn sức gió mạnh nhất từ ấp 8-9 (62-74km/h), giật cấp 11.
Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15-20km/h.
22h, ghi nhận trên một số tuyến đường Hà Nội, nhiều cây cối bị ngã đổ trước sức mạnh của bão số 3.
Tại tuyến đường Thụy Khuê (quận Tây Hồ), nhiều cây lớn ngã chắn ngang đường. Phố Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu – nơi có nhiều cây xanh lớn ven đường – cũng có nhiều cây bị bật gốc.
Lực lượng chưc năng đã bắt tay vào dọn dẹp các cây bị ngã để tránh bị ùn tắc.
Trên tuyến phố Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa), cây cối cũng ngã đổ la liệt. Nhiều cây ngã đè vào cửa hàng quần áo. Nước bắt đầu rút. Nhiều người bắt đầu ra khỏi nhà hoặc nơi tránh trú.
Cảnh báo nguy cơ lũ quét và ngập lụt tại các tỉnh phía Bắc
22h30 tối 7-9, ông Phùng Tiến Dũng – trưởng phòng dự báo Thủy văn, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia – cho biết trong 24 giờ qua, bão số 3 gây mưa rất to ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Hòa Bình với tổng lượng mưa 150 – 200mm, có điểm trên 300mm.
Trong đêm 7 và ngày 8-9 các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa vẫn có mưa to đến rất to, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh, đặc biệt Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình và Thanh Hóa.
Nhận định từ nay đến ngày 9-9, trên các sông Thao, thượng lưu sông Lô, sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam và sông Hoàng Long xảy ra đợt lũ với mức báo động 1, báo động 2. Trên sông Bưởi, thượng nguồn sông Mã ở Thanh Hóa xảy ra đợt lũ với mức báo động 1.
Do mưa lớn trong thời gian tới, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cảnh báo nguy ngật lụt ở các thành phố, khu đô thị tại các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nam, Thái Nguyên và Hà Nội.
Nhiều chung cư ở Hà Nội sập trần thạch cao, người dân dùng đủ cách ngăn nước tràn vào căn hộ
20h30, tại khu vực Hoài Đức, Hà Đông mưa to, gió rít rất mạnh. Một số căn hộ chung cư trên địa bàn Hà Đông, Hoài Đức, Thanh Xuân bị sập trần thạch cao, gây hư hại các trang thiết bị. Người dân phải thay nhau ngăn nước tràn vào căn hộ từ cửa sổ, ban công.
“Mưa lớn kèm theo gió mạnh hắt vào các khe cửa, trong khi lỗ thoát không kịp nên từ chiều tối đến giờ, nhà tôi và nhiều nhà khác ở chung cư phải thay nhau dùng giẻ lau chèn, lau, ngăn nước tràn vào nhà từ cửa kính phòng ngủ.
Hiện cửa kính vẫn giật liên tục. Không biết sẽ thế nào” – chị Trúc, nhà ở chung cư Gemek 1, Hoài Đức, cho hay.
Để ngăn nước tràn qua cửa sổ, một số cư dân đã căng tấm nilông vào cửa sổ hay sử dụng một số cách khác như dùng giẻ chèn, đưa chậu hứng… Tuy nhiên, do mưa, gió lớn vẫn không ngăn được nước tràn vào.
“Có nửa tiếng mà tôi đã phải lau, đổ đi 3-4 thau nước nhỏ rồi, không biết khi nào gió mới giảm để đỡ cảnh này”, anh Thành, một cư dân ở đây nói.
Còn chị Hồng Ngọc, nhà khu tập thể Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) cho biết do gặp sự cố nên điện ở khu vực này đã bị mất từ nhiều giờ qua.
Trước đó, từ chiều, cổng chào trên đường Nguyễn Quý Đức, phường Thanh Xuân Bắc cũng đổ sập xuống đường do gió quá lớn.
Bão số 3 giảm còn cấp 10, giật cấp 12, đang quét qua Hà Nội
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 20h sức gió mạnh nhất của bão giảm còn cấp 10 (89 – 102km/h), giật cấp 12.
Thời điểm nay, vị trí tâm bão số 3 ở khoảng 21 độ vĩ Bắc – 105.8 độ kinh Đông. Tọa độ này thuộc khu vực quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15 – 20km/h.
Dự báo đến sáng 8-9, khi bão đi sâu về phía Tây Bắc Bộ, cường độ sẽ suy giảm thành áp thấp nhiệt đới, vùng thấp và tan dần.
Bão số 3 giảm còn cấp 10, giật cấp 12, đang quét qua Hà Nội
Đường sắt dừng khai thác 18 đoàn tàu do bão số 3
Ngày 7-9, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quyết định tạm dừng khai thêm một số đoàn tàu khách để tránh bão số 3.
Cụ thể, trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM bãi bỏ tàu SE11 xuất phát tại Hà Nội ngày 9 và 10- 9; bãi bỏ tàu SE 12 xuất phát tại Sài Gòn ngày 11 và 12-9. Bãi bỏ tàu 8 đoàn tàu HP1, LP6, LP2, LP3, LP5, HP2, LP8 và LP7 tuyến Hà Nội – Hải Phòng ngày 7-9.
Bãi bỏ tàu HP1, LP2 tuyến Hà Nội – Hải Phòng ngày 8-9. Bãi bỏ tàu NA1, NA2 tuyến Hà Nội – Vinh ngày 7-9. Bãi bỏ tàu SP3, SP4 tuyến Hà Nội – Lào Cai ngày 7-9.
Như vậy, so với quyết định ngày 6-9, số lượng đoàn tàu tạm dừng khai thác tăng từ 12 lên 18 đoàn tàu. Hành khách có vé đi các chuyến tàu dừng khai thác được trả vé tàu hoặc đổi lịch trình sang các chuyến tàu khác và không mất phí đổi, trả vé.
Đến thời điểm này, đường sắt chưa có thiệt hại gì đáng kể do bão số 3. Trên tuyến Hà Nội – Đồng Đăng, Gia Lâm – Hải Phòng và Kép – Hạ Long có một số cây đổ vào đường sắt, các đơn vị đã khắc phục.
Tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM có một số cây đổ vào đường sắt, các đơn vị đã chủ động khắc phục, đảm bảo an toàn chạy tàu; cần chắn tại km 73+837 dài 8m (có người gác) bị gãy do gió lớn, đã cử người cảnh giới.
Miễn phí đồ ăn, nước uống cho hành khách nhỡ xe
Tối 7-9, tin từ Công ty CP Bến xe Hà Nội cho biết các bến xe tại Hà Nội bao gồm Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm đang triển khai hỗ trợ miễn phí đồ ăn, nước uống, chỗ nghỉ cho hành khách nhỡ xe phải tránh bão số 3 tại bến.
Theo lãnh đạo Công ty CP Bến xe Hà Nội, từ 15h30, các bến xe và doanh nghiệp vận tải đã nhận được văn bản yêu cầu tạm ngừng phục vụ để đảm bảo an toàn cho hành khách, tài sản người và phương tiện của doanh nghiệp.
Do vậy, công ty đã chỉ đạo các bến xe kịp thời hỗ trợ miễn phí thực phẩm, nước uống và chỗ nghỉ cho hành khách nhỡ xe, tránh trú bão an toàn.
Thống kê nhanh đến 21h ngày 7-9, có khoảng 60-70 hành khách phải tránh trú bão tại các bến xe Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình.
Theo một hành khách trú bão tại bến xe Mỹ Đình, ai cũng muốn về nhà sớm nhưng do mưa bão, không gọi được taxi hay xe công nghệ nên đành ngồi chờ ở đây.
Vẫn cầm trên tay cốc mì tôm còn nóng hổi, người này mong thời tiết tốt để tiếp tục hành trình của mình.
Hà Nội mưa rất to, gió giật mạnh
20h20 tối 7-9, Hà Nội mưa to, gió rít, giật mạnh liên hồi. Sức mạnh của bão Yagi càng thể hiện rõ. Tại quận Tây Hồ, khu vực hồ Tây mưa lớn kèm gió giật liên hồi. Nhiều tuyến đường không người qua lại.
Địa điểm hai con rồng bên hồ Tây, nơi nhiều người đến vui chơi cuối tuần, không bóng người, hàng quán đều cửa chốt then cài. Các đường ven hồ Tây như Lạc Long Quân, Vệ Hồ bị ngập cục bộ, cây cối ngã chắn đường.
Trên đường Thụy Khuê, gió giật mạnh làm đổ nhiều cây xanh, nhưng một số người vẫn đi xe máy ra đường.
Theo ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội, mực nước trên các sông đang thấp, dưới mức báo động I. Tuy nhiên, mực nước các hồ chứa nước chính tại thủ đô đang cao, xấp xỉ mực nước thiết kế và xả tràn.
Hiện Hồ Thác Bà đang mở 2 cửa xả mặt, hồ Hòa Bình mở 1 cửa xả đáy.
Bộ trưởng Công Thương có công điện hỏa tốc sớm cung cấp điện
Tối 7-9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ban hành công điện hỏa tốc về việc ứng phó, khắc phục thiệt hại do bão số 3 để sớm cung cấp điện trở lại.
Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo các đơn vị tập trung toàn bộ lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để ứng phó bão số 3, khẩn trương khắc phục các sự cố hệ thống lưới điện đảm bảo an toàn để cấp điện trở lại ngay sau khi bão đi qua; đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho công tác phòng chống bão.
Với các công trình thủy điện thuộc phạm vi quản lý của EVN, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và hoàn lưu bão; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với bão và hoàn lưu bão; nghiêm túc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa, quy trình vận hành hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Bộ trưởng Công Thương cũng yêu cầu Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) huy động tối đa nguồn lực duy trì chế độ trực 24/24h, đảm bảo chế độ liên lạc thông suốt với các đơn vị phát điện và đơn vị truyền tải điện để đảm bảo cung cấp điện ổn định trong mọi tình huống, tuân thủ nghiêm quy định về điều độ hệ thống điện.
Có phương án dự phòng về mặt kỹ thuật để duy trì ổn định hệ thống điều độ điện khi có sự cố xảy ra.
Kéo dài thời gian dừng khai thác sân bay Nội Bài, Vân Đồn và Cát Bi
Do bão số 3 diễn biến phức tạp, thời gian tồn tại trên đất liền lâu nên Cục Hàng không Việt Nam quyết định kéo thời gian tạm ngừng khai thác sân bay Vân Đồn, Cát Bi và Nội Bài.
Cụ thể, sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), kéo thời gian tạm ngừng khai thác đến 20h ngày 7-9 thay vì từ 4h đến 16h ngày 7-9.
Sân bay Cát Bi (Hải Phòng) kéo dài thời gian tạm ngừng khai thác đến 20h ngày 7-9 thay vì từ 5h đến 16h ngày 7-9.
Còn sân bay Nội Bài kéo dài thời gian tạm ngừng khai thác đến 24h ngày 7-9 thay vì từ 10h đến 21h ngày 7-9.
Riêng sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) vẫn giữ nguyên thời gian tạm ngừng khai thác từ 12h đến 22h ngày 7-9.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết về cơ bản các sân bay trong khu vực ảnh hưởng bão như Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân không bị thiệt hại bởi bão.
Chỉ có sân bay Vân Đồn bị gió xô nghiêng một đoạn tường rào bằng sắt và đổ cây, đã khắc phục xong và dự kiến sớm khai thác trở lại lúc 20h.
Còn sân bay Cát Bi, thời tiết vẫn xấu nên dự kiến 24h đêm 7-9 mới mở lại.
Sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) ít bị bão tác động nên có thể mở lại lúc 23h thay vì 24h.
19h30 tối 7-9, Hà Nội vẫn mưa lớn, kèm gió mạnh. Ngoài đường, vẫn còn một số người đi xe máy nhưng gặp khó khăn vì nước dâng cao. Nhiều cây cối đổ rạp xuống đường.
Trên hè phố có nhiều tấm bạt, mảnh tôn bí gió hất tung. Tuy nhiên, hệ thống đèn đường vẫn hoạt động, nhiều hộ gia đình ở yên trong nhà nếu không có việc gấp.
Cây xanh đổ la liệt trên đường phố Hà Nội, cảnh sát hỗ trợ dọn dẹp ngay trong mưa bão
Một nhà kho đổ sập
Tại huyện Thạch Thất (Hà Nội), một nhà kho để đồ chơi trẻ em bị đổ sập.
Lãnh đạo UBND huyện Thạch Thất cho hay vụ việc xảy ra chiều cùng ngày, tại xã Dị Nậu. Nhà kho kết cấu chủ yếu bằng tôn. Thời điểm này không có người làm việc bên trong, sự cố không gây thương vong về người.
Đến thời điểm hiện tại, huyện Thạch Thất chưa ghi nhận thương vong do bão số 3. Trên địa bàn có nhiều cây xanh, nhà ở, công trình bị tốc mái. Chính quyền huyện khuyến cáo người dân không ra đường để đảm bảo an toàn.
13 người mất tích, 1 người tử vong trên biển
Đó là thống kê đến 17h30 ngày 7-9 của Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và ứng phó sự cố, thiên tai trong bão số 3.
Cụ thể , tàu Tiến Thành 05 (tàu cần cẩu, thuộc Công ty Cổ phần thương mại Logistic Quảng Ninh) neo tránh trú bão tại Vũng Đục – Cẩm Phả bị mất tích cùng 7 thuyền viên.
Tàu kéo biển Hồng Gai cùng 7 thuyền viên (thuộc Công ty Cổ phần cảng Quảng Ninh) khi neo tránh bão tại khu vực Hang Bồ Nâu bị mất tích. Tàu lai Hạ Long 08 đã vớt được 1 thi thể, 6 thuyền viên còn lại của tàu đang mất tích.
Tàu Minh Ánh 01 với 3 thuyền viên trên tàu đang bị trôi neo.
Tàu Minh Ánh 03 với 12 thuyền viên,bị trôi neo, mất tín hiệu trên AIS. Hiện nay, tàu và 12 thuyền viên an toàn.
Tàu Tiến Thành 02, Tiến Thành 03 (tàu cần cẩu, phương tiện thủy nội địa, thuộc Công ty Cổ phần thương mại Logistic Quảng Ninh) bị trôi dạt, mắc kẹt tại cung Cá Heo, TP Hạ Long, trên mỗi tàu có khoảng 10 người.
Tàu Thiên Thuận Thành 01 (tàu SB) và 4 người trên tàu, bị trôi neo, nước tràn vào buồng máy tại khu vực hòn Vụng Gianh, Quảng Ninh. Hiện tàu và 4 thuyền viên an toàn.
Một tàu cá không rõ tên bị hỏng máy, trên tàu có 1 người, trôi dạt tại khu vực hòn Vạn Bội – Cát Bà, không liên lạc được với tàu. Tàu CSB 9004 cách 6 hải lý sẵn sàng cơ động đi tìm kiếm cứu nạn nhưng do thời tiết xấu chưa tiếp cận được tàu bị nạn.
Bão số 3 vẫn gây gió mạnh, đặc biệt gió giật trong đêm 7-9
Ông Mai Văn Khiêm – giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia – cho biết như vậy khi trao đổi với báo chí lúc 17h30 chiều 7-9.
Theo ông Khiêm, đầu giờ chiều 7-9, bão số 3 đã đi vào đất liền Quảng Ninh và Hải Phòng gây gió rất mạnh ở phía Đông Bắc, đồng bằng và trung Bắc bộ.
Lúc 17h, vị trí tâm bão nằm giáp ranh Hải Phòng – Quảng Ninh, Hải Dương và vẫn còn mạnh cấp 11, đầu cấp 12.
Dự báo bão có xu hướng đi theo hướng Tây qua đồng bằng và trung du hướng về Tây Bắc Bộ với tốc độ 20km/h. Đến sáng 8-9, khi bão đi sâu về phía Tây Bắc Bộ, cường độ sẽ suy giảm thành áp thấp nhiệt đới, vùng thấp và tan dần.
Cảnh báo đến hết đêm 7-9 đồng bằng, trung du Bắc Bộ, cả Hải Phòng và Quảng Ninh vẫn chịu gió mạnh của bão số 3.
Đặc biệt trong khoảng 2-3 giờ tới các khu vực đồng bằng và trung dung Bắc Bộ vẫn chịu gió cấp 8-9, giật 11-12.
Trong đó có Hà Nội đến nửa đêm vẫn chịu gió mạnh cấp 6-7, đặc biệt gió giật mạnh cấp 9-10.
Theo ông Khiêm do bão có hoàn lưu rộng, kết hợp nền nhiệt cao và ẩm miền Bắc những ngày trước đó nên tiếp năng lượng cho bão và gây gió giật mạnh ở nhiều nơi. Đây là đặc điểm rất đáng lưu ý của bão số 3.
“Gió giật mạnh gây ảnh hưởng rất lớn. Từ trưa đến chiều 7-9 tại Hà Nội gió mạnh chủ yếu cấp 4-5 nhưng gió giật mạnh tới cấp 9-10 làm đổ nhiều cây xanh.
Hoàn lưu của bão rất rộng, mây trùm tới Bắc Trung Bộ nên có thể xuất hiện hệ thống mây đối lưu gây mưa dông, lốc gây gió rất mạnh, đặc biệt là gió giật, xoáy trong thời gian hoàn lưu bão vẫn còn tác động. Do vậy chúng tôi khuyến cáo người dân ở trung du, đồng bằng Bắc Bộ tránh trú bão đến hết đêm 7-9″- ông Khiêm nhấn mạnh.
Cây đa cổ thụ gần hồ Hoàn Kiếm gãy đổ
Chiều 7-9, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm xác nhận một cây đa cổ gần khu vực hồ Hoàn Kiếm đã bị bật gốc, ngã đổ đổ do ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Vị này cho biết toàn bộ thân cây đa cổ trên đã nằm đổ và đè vào một công trình mà quận vừa giải phòng mặt bằng.
Theo vị lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm, cây đa này đã có từ lâu đời và mọc gần khu vực tượng đài Cảm Tử, gần phố Lò Sũ.
Khoảnh khắc cây đa cổ ở Hoàn Kiếm bật gốc do ảnh hưởng của bão số 3
Sập nhà trên phố Khâm Thiên (Đống Đa, Hà Nội)
Chiều 7-9, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo UBND quận Đống Đa xác nhận do ảnh hưởng của bão số 3, một ngôi nhà trên phố Khâm Thiên bị đổ sập tầng 2.
“Rất may không có thiệt hại về người, chúng tôi đợi sau khi bão tan sẽ khắc phục hậu quả” – vị lãnh đạo trên nói.
Trong khi đó, một nhà kho được dựng tạm bằng tôn tại khu vực Thanh Xuân Nam (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng bị đổ sập vào chiều cùng ngày.
Hà Nội: Cây đổ làm 2 người chết, 7 người bị thương
Theo báo cáo của Công ty Cây xanh Hà Nội, tính đến 15h30 ngày 7-9, có 484 cây đổ, cành gãy. Cây đổ đã làm 2 người chết và 7 người bị thương tại thủ đô.
Cụ thể, chiều 6-9, có 2 người bị thương do cây đổ tại khu vực đường Tú Mỡ trước khu đô thị Vimexco (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm). Sau đó, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện E.
Tuy nhiên, đến 10h ngày 7-9, UBND quận Nam Từ Liêm cho biết một trong hai nạn nhân trên đã tử vong. Người còn lại sức khỏe ổn định, đến sáng 7-9 đã được cho xuất viện.
Trước đó, chiều 6-9, tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, cây đổ cũng đã khiến chị L. (sinh năm 1983) tử vong.
Nhiều nơi tại Hà Nội mất điện
Gần 17h, ghi nhận tại Hà Nội, một số địa bàn tại Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì, Bắc Từ Liêm, Xuân Đỉnh… bị mất điện.
Chị Hương (Văn Quán, Hà Đông) cho hay đã chuẩn bị sẵn thực phẩm đề phòng phương án sẽ mất điện nhưng vẫn không nghĩ bị cắt điện sớm như vậy. Do vậy, dù đã chuẩn bị cắm cơm sớm hơn và sắp sẵn các đồ ăn để nấu nhưng từ gần 16h30 đã bị cắt điện, nên nhà chị cũng không kịp nấu thức ăn cho bữa tối.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cho hay đang huy động toàn bộ lực lượng để đảm bảo cao nhất việc cung ứng điện cho người dân. Tuy nhiên, do cây cối đổ gãy nhiều, ảnh hưởng tới lưới điện và các trạm biến áp nên không tránh khỏi tình trạng mất điện ở một số địa bàn. Hiện đơn vị này đang tập trung lực lượng để khắc phục các sự cố, nhanh chóng cấp điện cho người dân.
Cảnh báo ngập lụt nội thành Hà Nội
Lúc 16h chiều 7-9, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết do ảnh hưởng của cơn bão số 3, khu vực nội thành Hà Nội đang có mưa to đến rất to.
Dự báo trong 3-6h giờ tới, khu vực nội thành Hà Nội và các vùng lân cận vẫn tiếp tục có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến trong khoảng từ 50-90mm, có nơi trên 130mm.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho bết đợt mưa này có khả năng sẽ gây ngập úng cho nhiều tuyến phố nội thành Hà Nội với độ sâu phổ biến từ 20-40cm.
Đáng chú ý một số tuyến phố có khả năng ngập sâu hơn với độ sâu từ 30-50cm.
Chiều tối 7-9, nội đô Hà Nội gió tăng lên cấp 8, giật cấp 10
Theo dự báo, do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão số 3, chiều và đêm 7-9, Hà Nội sẽ có gió mạnh.
Các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và các huyện: Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh có gió mạnh cấp 5, cấp 6, sau tăng lên cấp 7, cấp 8, giật cấp 10.
Chiều và đêm 7-9, thị xã Sơn Tây và các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Phúc Thọ có gió mạnh cấp 4, cấp 5, sau tăng lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 9. Gió mạnh có thể gây tốc mái, hư hại nhà cửa, làm gãy đổ cây cối, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng.
Mưa lớn kéo dài đến sáng 9-9, với lượng mưa lên tới 400mm, có thể kèm theo các hiện tượng dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông và cơ sở hạ tầng.
Dự báo tác động của mưa lớn làm giảm tầm nhìn khi lái xe, gây ra trơn trượt và tai nạn giao thông; làm quá tải hệ thống thoát nước đô thị, gây ra ngập úng trong các khu dân cư, ách tắc giao thông do ngập úng đường…
Hà Nội: Gió rất mạnh, cây xanh gãy đổ la liệt
16h, dọc tuyến đường Nguyễn Trãi – Hà Đông, gió ngày càng mạnh lên khiến nhiều người đi xe máy không thể di chuyển được phải dừng lại tìm chỗ trú. Phương tiện giao thông công cộng là đường sắt trên cao và xe buýt đã dừng hoạt động, hầu như trên đường chỉ còn xe cá nhân. Trước những cơn gió mạnh khiến xe máy khó di chuyển, một số xe lớn đã đi chậm để che gió cho nhóm xe máy trên đường.
Đoàn ô tô dìu xe máy qua cầu trong mưa bão số 3 ở Hà Nội
15h40 chiều 7-9, Hà Nội gió rất mạnh, xe máy đi giữa đường không thể di chuyển vì gió cản. Một số xe tải và người đi bộ đã hỗ trợ cản gió, dìu xe máy đi vào trong tránh gió.
Đầu giờ chiều 7-9, mưa ở Hà Nội không quá lớn nhưng gió rít mạnh, người đi xe máy gần như không thể di chuyển. Các tuyến đường thường ngày đông nghẹt người thì nay vắng lặng.
Tại đường vành đai 3 chỉ lác đác vài xe cộ qua lại. Trong bến xe Mỹ Đình, hàng trăm ô tô nằm yên lặng, gần như không có người qua lại.
Tại quận Hà Đông, hàng trăm cây xanh đổ la liệt trên khắp các tuyến phố dù tâm bão chưa đi qua. Công an Hà Nội cho biết Đội cảnh sát giao thông đường bộ số 7 đã huy động lực lượng tới hỗ trợ việc thu dọn cây xanh bởi lúc này lượng cây đổ lớn, các công nhân công ty cây xanh đã được huy động tối đa trên nhiều tuyến đường.
Tại đường Phúc Diễn (quận Nam Từ Liêm), cột điện đổ chắn ngang đường do gió lớn trong chiều 7-9.
Hiện Công an khu vực đã nắm tình hình, đồng thời báo cho điện lực quận để xuống khắc phục sự cố
Chủ tịch Hà Nội kêu gọi người dân không ra khỏi nhà
Chiều 7-9, trước khi bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp tới Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã khuyến cáo, kêu gọi người dân TP không ra khỏi nhà để tránh rủi ro, thiệt hại về người.
Tại các tòa nhà cao tầng ở Hà Nội gió mạnh rít liên hồi làm rung các cánh cửa. Các chung cư đều có loa phát thanh khuyến cáo người dân hạn chế ra đường, chèn chắn các cửa sổ, cửa ra vào, cửa thoát hiểm để đảm bảo an toàn. Có tòa nhà bị gió mạnh đã làm bung vỡ cửa kính khiến người dân phải dùng các vật liệu như tấm gỗ, bao cát, xi măng để chèn cửa.
Đến 15h30, dọc các tuyến đường thuộc khu vực Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, lượng mưa, nhất là gió do ảnh hưởng bão số 3 rất lớn.
Mặc dù đã có khuyến cáo hạn chế nhưng vẫn có một số người dân do công việc phải đi xe máy trên đường. Nhiều người đi xe máy gặp gió lớn trên đường Lê Trọng Tấn bị gió tạt quá mạnh đã phải dừng xe, đứng lại chờ bớt gió mới tiếp tục di chuyển. Do gió lớn, một số cây xanh, biển, mái che của các nhà hàng dọc đường này đã bị đổ, gãy, hư hại.
Bão số 3 vẫn còn cấp 12, gây gió mạnh hiếm gặp tại các tỉnh miền Bắc
Lúc 15h30, ông Nguyễn Văn Hưởng – trưởng phòng Dự báo thời tiết Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia – cho biết: bão số 3 đã vào đất liền và tiếp tục di chuyển vào khu vực Đông Bắc Bộ, trọng tâm là Quảng Ninh và Hải Phòng.
Bão đã gây gió rất mạnh. Bạch Long Vỹ có gió mạnh cấp 13, giật cấp 14; đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 13, giật cấp 16; Tiên Yên (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; Đầm Hà (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 10, giật cấp 13; Cửa Ông (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 12, giật cấp 14; Bãi Cháy (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 14, giật cấp 17, Phù Liễn (Hải Phòng) gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; Cát Hải (Hải Phòng) gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; Đông Xuyên (Hải Phòng) gió mạnh cấp 9, giật cấp 10; Ba Lạt (Thái Bình) gió mạnh cấp 8, giật cấp 10…
Ở khu vực phía Đông Bắc Bộ đã có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to như: Cửa Ông (Quảng Ninh) 113mm, Cẩm Phả (Quảng Ninh) 110mm, Cát Bà (Hải Phòng) 86mm…
Ông Hưởng nhận định trong 3 và 6 tiếng tới, bão tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần nhưng trong thời gian này vẫn giữ cường độ cấp 9 đến cấp 11. Sau đó bão sang phía Tây Bắc Bộ và suy yếu thành vùng áp thấp.
Từ nay đến chiều tối và đêm 7-9 ở Quảng Ninh đến Nam Định tiếp tục có gió mạnh cấp 9 đến cấp 11, giật cấp 13-14.
Khu vực sâu trong đất liền Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hưng Yên cũng có gió bão cấp 8-9, giật cấp 11-12.
“Cường độ bão hiện tại vẫn gió mạnh cấp 12, gió giật cấp 13-14 rất mạnh. Do đó khi bão vào sâu đất liền vẫn gây gió cấp 9-10 ở nhiều tỉnh. Hà Nội gió mạnh cấp 6-7 và giật cấp 9-10. Đây là gió rất mạnh ít thấy ở Bắc Bộ nên nguy hiểm do gió mạnh và mưa ở đất liền Bắc Bộ vẫn chưa qua” – ông Hưởng cảnh báo.
Ông Hưởng cho biết thêm do bão số 3 có hoàn lưu rộng nên tác động tới nhiều nơi ở miền Bắc ngay khi bão vào ven biển, trong đó có Hà Nội, Thanh Hóa và Nghệ An.
Hà Nội dù đang cách vị trí tâm bão khoảng 200km nhưng do hoàn lưu bão rộng nên từ 15h chiều đã có gió cấp 4-5, giật cấp 7, nhiều cây đổ. Bão đang tiến gần Hà Nội hơn nên từ chiều đến tối muộn Hà Nội tiếp tục có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9-10.
“Ít nhất trong 12 tiếng tới Hà Nội vẫn có gió giật, mưa lớn, dự báo sáng 8-9 mới trở lại bình thường” – ông Hưởng lưu ý.
Huyện Chương Mỹ, Quốc Oai nguy cơ ngập sâu
Chiều 7-9, Đài khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ dự báo do ảnh hưởng của bão số 3, từ ngày 7-9 đến sáng 9-9 tại Hà Nội mưa vừa, mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa phổ biến 200-300mm, có nơi cao hơn 350mm.
Từ chiều 9-9 Hà Nội mưa vừa, có nơi mưa to. Do mưa lớn nên từ nay đến ngày 10-9, trên các sông ở khu vực Hà Nội xuất hiện một đợt lũ với biên độ 1,5 – 4m.
Trong đợt lũ này, đỉnh lũ sông Đà, sông Hồng, sông Đuống ở mức dưới báo động cấp I; sông Đáy ở mức báo động lũ cấp I-II.
Đặc biệt các sông: Bùi, Tích, Cà Lồ… ở mức báo động cấp II-III. Ngoài ra, lượng nước từ Hòa Bình đổ về, nguy cơ xuất hiện lũ rừng ngang ảnh hưởng đến các huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức…
UBND huyện Thường Tín (Hà Nội) thông tin, mưa kèm gió lớn làm đổ, ngập khoảng 670ha lúa, chủ yếu tại các xã: Nghiêm Xuyên, Tô Hiệu, Hòa Bình…
Từ lúc “cha sinh mẹ đẻ” mới thấy gió rít ghê thế
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, chị Vân Anh (nhà ở khu chung cư Viglacera, Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay từ lúc “cha sinh mẹ đẻ” đến giờ chị mới chứng kiến gió rít từng cơn do ảnh hưởng của bão ghê đến như vậy.
Theo chị Vân Anh, chị đã sinh sống tại khu vực này nhiều năm, chứng kiến nhiều đợt dông bão nhưng chưa bao giờ gió rít ghê như vậy. Từ 15h chiều nay, mưa gió do ảnh hưởng của bão số 3 tại khu vực nhà chị và các khu xung quanh rất lớn.
“Nhà tôi ở chung cư trên cao dù đã đóng kín các cửa nhưng vẫn nghe rất rõ tiếng gió rít lên từng cơn rất mạnh, chói tai. Cả nhà tôi phải ngồi canh không dám cho con đến gần cửa sổ vì sợ”, chị Vân Anh nói.
Cũng theo chị Vân Anh, bạt, lưới an toàn ở lô gia của gia đình đã bị gió cuốn mất. Theo ghi nhận, dưới chân chung cư này, một số cây xanh đã bị gãy, bật gốc.
Một số cư dân sống tại các chung cư ở Tây Mỗ, Dương Nội cũng chia sẻ dù trong phòng kín nhưng tiếng gió rít rất mạnh. Một số người dân ở các căn hộ cao tầng đã dùng bằng dính dán lên cửa kính để đề phòng vỡ do sợ gió lớn.
Nguồn Báo Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/bao-so-3-dang-quet-qua-ha-noi-20240907151740952.htm