Càn lướt đến đâu, bão số 3 để lại hậu quả lớn đến đấy.
Suốt dọc biển từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định… đến những nơi nằm sâu trong đất liền như Hà Nội, người dân đều cảm nhận được sức tàn phá của cơn bão.
Cột điện gãy đổ hàng loạt ở nhiều nơi, cả bức tường kính đồ sộ của tòa nhà cao tầng bị bật tung, nhiều mái che bằng sắt nặng hàng trăm ký cũng bị gió bay lật xuống mặt đường. Một nhà máy giày nổi tiếng ở thủ đô bị tung nóc ngay khi tâm bão còn cách xa hàng trăm cây số…
Chống bão với một đất nước vốn chịu nhiều thiên tai như nước ta thì có lẽ chúng ta không thiếu gì kinh nghiệm. Nhưng không chỉ chống bão bằng kinh nghiệm, bằng những gì đã tích lũy mà ngày càng cần phải khẩn trương, quyết liệt, đồng lòng, thông suốt.
Ngay từ đầu Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát đi thông điệp chống bão với phương châm bốn tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ.
Còn Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh chống bão với tinh thần không hối tiếc. Các tỉnh dừng mọi hoạt động không cần thiết để tập trung chống bão.
Các quân khu, quân chủng, bộ tư lệnh, binh đoàn huy động gần 500.000 người, hơn 10.000 phương tiện, từ máy bay, tàu xuồng, xe đặc chủng…, Bộ Công an huy động hơn 100.000 người sẵn sàng hỗ trợ nhân dân, ứng trực chống bão. Bộ Ngoại giao làm việc với đại sứ quán một số nước đề nghị hỗ trợ ngư dân trên biển…
Khẩn trương, quyết liệt nhưng không cứng nhắc để các địa phương, từng cơ quan, đơn vị và người dân yên tâm phát huy sáng kiến và kinh nghiệm trong phòng chống lụt bão. An toàn là trên hết. Không phải thuần túy bão đến là cố thủ, mà cần bám sát tình hình và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.
Từ TP.HCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã chỉ đạo TP có kế hoạch, sẵn sàng chia sẻ với Hà Nội và những nơi vùng tâm bão.
Tình cảm phương Nam làm ấm lòng những người đang ở tâm bão miền Bắc. Nó cũng giống như khi các tỉnh phía Nam lao đao vì COVID-19, hay khi miền Trung oằn mình gánh bão lũ, cả nước lại một lòng hướng về.
Thiên tai không tránh được thiệt hại, thậm chí thiệt hại rất lớn vì sức tàn phá của cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm qua. Sự khẩn trương, quyết liệt, đồng lòng không chỉ là bài học trong phòng chống thiên tai mà cần được phát huy cao hơn nữa trong xây dựng và phát triển đất nước.
Để phát triển đất nước còn bao việc phải làm. Thử thách còn nhiều và còn có thể có những thử thách lớn hơn, dai dẳng hơn những cơn bão đi qua.
Đất nước hình chữ S liền một dải, không chỉ là một dải đất hình thái tự nhiên mà liền một niềm tin, ý chí, cùng hành động cho đất nước phát triển.
Nguồn Báo Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/khong-chi-la-bai-hoc-chong-bao-20240908081146687.htm